Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2010

Làm bố không dễ tí nào ^^

Đứa con chào đời là món quà vô giá dành tặng cho đôi vợ chồng, nhưng nó cũng kéo theo bao khó khăn, áp lực: áp lực công việc, gánh nặng chi tiêu, những xáo trộn trong tổ chức cuộc sống và xung đột nảy sinh quanh việc chăm sóc sản phụ, em bé. Nếu không chủ động đối phó, “tân bố” cũng có thể bị stress hậu sản chứ không riêng gì sản phụ.

làm ba mẹ
Bác nào sắp làm bố nên đọc bài này cho nó có kinh.. hee hee big grin love struck

Chồng cũng “vượt cạn”

Những ngày này Sài Gòn se lạnh nhưng cũng không giúp hạ nhiệt được không khí gia đình anh Hoàng Thanh (kỹ sư điện, ở Q.3). Cả tháng nay, anh Thanh và mẹ vợ cứ đụng nhau việc chọn nhiệt độ cho căn phòng ở cữ của vợ anh. Cuộc chiến của chàng rể – mẹ vợ có thể gọi chính xác là “cuộc chiến giữa than hồng và máy lạnh”. Mẹ vợ anhtheo xưa, trời nóng cỡ nào cũng bắt con gái và cháu ngoại nằm than. Anh Thanh thì phản đối việc nằm lửa, sợ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé. Anh bật máy lạnh ở nhiệt độ 26oC cho vợ con được thoáng mát.

Bực mình vì “trứng mà đòi khôn hơn vịt”, chàng rể vừa xách cặp đi làm là bà mẹ vợ lại quạt than, ủ cháu. Trời trở lạnh, bà ngoại càng tăng cường giữ ấm. Khi bé bị viêm phế quản, mẹ vợ đổ thừa do anh Thanh mở máy lạnh, còn anh khẳng định do nằm than, mồ hôi toát ra không thoát được, đã thấm vào lại cơ thể bé gây bệnh. Anh Thanh quyết tâm thuê người giúp việc và đưa vợ con về nhà riêng, nhưng “kế hoạch giải cứu” phải hoãn lại khi anh nghe mẹ vợ nói lẫy: “Một mẹ già bằng ba con ở, có phước mà không chịu hưởng, từ nay coi như không còn có bà già này trên đời”.

Mẹ vợ anh từng “canh me” cháu ngoại ị phân su để lấy rơ miệng bé, hứng nước đái nghệ cho con uống. Anh Thanh phải mời bác sĩ đến can ngăn, bà mới miễn cưỡng nhượng bộ. Vợ anh sợ mẹ buồn nên ngoan ngoãn chấp hành mọi chỉ dẫn của mẹ, càng khiến anh tự ái và cảm thấy bất lực với cái phận làm chồng, làm cha của mình. Vợ chồng sinh buồn bực, bất hòa. Anh trách chị không có kỹ năng bảo vệ con. Chị giận anh hỗn hào và cư xử “mạnh tay” với mẹ làm bà bẽ mặt. “Mẹ nói, anh như vậy sao làm gương cho con được?” – câu hỏi ngược của vợ khiến mọi nỗ lực dung hòa mâu thuẫn của anh tắt ngúm. Anh đâm buồn chán, bỏ nhà đi nhậu. Chia sẻ với chuyên viên tư vấn tâm lý của tổng đài 1088, anh Thanh bộc bạch: “Dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng tôi vẫn rất căng thẳng vì cùng lúc phải sắm ba vai: làm bố, làm chồng, làm con. Viện cớ thương con, thương cháu, mẹ vợ và vợ đã tạo cho tôi thêm nhiều áp lực không đáng có”.

Do thiếu hiểu biết, thời kỳ “cám treo heo nhịn đói” của anh Thành Hiệp (chủ một hiệu phụ tùng xe máy ở Q.1, TP.HCM) kéo dài đến 14 tháng. Anh tủi phận “chồng bù nhìn”, khi bị con đẩy ra rìa. Từ lúc vợ anh cấn bầu, mẹ anh và mẹ vợ không cho vợ chồng quan hệ vì “sẽ làm em bé bị sặc, ngộp”. Sinh xong, hai bà mẹ chiếm phòng cữ, buộc anh phải ôm gối ra ngủ phòng khách. Hễ “giám thị một” có việc ra ngoài là “giám thị hai” được giao còi.

Theo kinh nghiệm dân gian của hai bà, vợ chồng sau sinh sáu tháng mới được gần gũi để tránh bị đứt chỉ và “ô nhiễm nguồn sữa”. Khi con đã được bốn tháng, tận dụng cơ hội hiếm hoi, anh Hiệp “rù rì” với vợ thì bị vợ phản ứng mạnh: “Con bệnh mà anh không ngó ngàng tới, lại còn đòi hỏi này nọ! Anh đòi nữa là em báo mẹ biết cho coi”. Thế là anh bị đánh bật ra khỏi phòng. Thương vợ, anh kiềm chế để không xổ ra bao điều bực dọc. Gãy nhịp, anh dần nguội lạnh cảm xúc, dù vợ gợi ý. Vợ anh sinh ghen tuông nghi ngờ. Oái oăm thay, trước đây anh từng thèm được vợ ghen vì có vài lần ăn vụng, mà vợ chỉ chăm bẵm vào cậu con trai, chẳng đoái hoài tới chồng.

Cưới nhau từ năm 2001 nhưng vợ anh vừa mới sinh được con trai sau hành trình chạy chữa hiếm muộn gian nan. Anh Hiệp chưa kịp cảm nhận hạnh phúc thì đã bị sốc và hụt hẫng. Vợ đau bụng, anh hăm hở đón taxi đưa vào bệnh viện thì cả nhà ngăn lại. Anh Hiệp kỵ tuổi với em bé, lúc nhỏ anh lại khó nuôi nên mất “vé” vượt cạn cùng vợ. Anh ẵm con cũng phải có sự giám sát của “người lớn”. Anh giúp chăm con, dù cẩn thận mấy vợ cũng gắt gỏng, chê trách. Anh mua sữa cho con, vợ chê hiệu sữa rẻ tiền, để mốc meo. Dần dà, vợ vô tình biến anh thành một ông bố vô trách nhiệm. Bố con không “mến tay mến chân” nhau, chỉ là hai cá thể độc lập và xa lạ.

Biến áp lực thành yêu thương

Nếu người chồng cố căng người ra để làm vừa lòng vợ hay chứng minh mình là người chồng, người cha lý tưởng thì chắc chắn chẳng bao lâu, người chồng sẽ đuối. Bình thường, dù cố mấy, người chồng cũng không thể lấy được hai chữ “hài lòng” của vợ huống gì trong thời điểm “khó ở” đó. Khi gặp tình huống xung khắc, vợ lại nói kiểu nhát gừng, lại thiếu tế nhị, càng dễ gây tổn thương cho chồng. Thời điểm đó, sự thông cảm,chia sẻ và dung hòa giữa các thành viên trong gia đình với nhau là cần thiết nhưng dễ rơi vào ngõ cụt. Bởi ai cũng nghĩ mình đang vì lợi ích tốt nhất của đứa trẻ. Giữa vợ và chồng, giữa dâu và mẹ chồng, giữa rể và mẹ vợ, biết ai phải nhường bước ai?

Trong buổi nói chuyện chuyên đề “Quan hệ vợ chồng thời kỳ mang thai, trầm cảm sau khi sinh” do Hội quán Các bà mẹ tổ chức cuối tháng 10 tại Công ty cổ phần Mẹ và Con (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), bác sĩ Trần Thị Sáng (Trưởng bộ phận Huấn luyện tiền sản sản phụ khoa BV FV) cho rằng: “Người vợ thường bị trầm cảm sau sinh, điều đó ai cũng biết nên đổ dồn sựquan tâm vào người vợ, trong khi người chồng mắc chứng trầm cảm không phải là ít. Những rắc rối nảy sinh khi nhà có thêm người thực sự là thách thức to lớn đầu tiên của người bố. Cảm giác này nếu không sớm được giải tỏa, sẽ biến thành gai góc châm vào hạnh phúc gia đình. Các bà vợ hết lòng với “thiên thần nhỏ” nhưng đừng bỏ quên bạn đời của mình. Vì bố hoặc mẹ bị trầm cảm đều ghi những dấu ấn không tốt lên con cái”.

Theo bác sĩ Sáng, lệch pha về sinh lý là nguyên nhân quan trọng gây stress. Quan hệ vợ chồng trong thời kỳ mang thai là một nhu cầu chính đáng, bình thường và vô hại (trừ trường hợp chống chỉ định của bác sĩ) và có thể tái lập từ sáu tuần sau sinh.

Để “tiêm vaccine” phòng stress sau sinh, tốt nhất là cả nhà cùng đi học lớp tiền sản (hỗ trợ sinh, chăm sóc bé: chọn sữa, cho bú, thay tã, tắm bé, ứng phó với các loại bệnh…winking. Cùng học một lò, các thành viên sẽ dễ thống nhất, với nhau. Những quan niệm sai lầm, lạc hậu cũng sẽ được bác sĩ chuyên khoa uốn nắn. Các học viên sẽ giảm xung đột, cắn đắn nhau vì ai cũng nghĩ mình đúng. Hiện các lớp học tiền sản đang thường xuyên được tổ chức ở các bệnh viện: Từ Dũ, Hùng Vương, ĐH Y dược, FV…

Tiến sĩ Nguyễn Khắc Hùng (Viện trưởng Viện Tâm lý và giáo dục pháp luật, thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam) cho rằng: “Cách thôngminh nhất để giải tỏa áp lực sau sinh là biến áp lực ấy thành niềm đam mê. Khi làm một việc mình đam mê thì không cần ai phân công, bắt buộc và cũng không bao giờ cảm thấy mệt mỏi, nặng nề”. Người vợ không thể ôm hết việc vào người cho chồng rảnh thân (thực ra, chồng cũng sẽ nhức đầu vì làm càng nhiều vợ càng càu nhàu dữ) mà nên tập cho bố mê con, yêu con ngay từ lúc chưa lọt lòng. Từ đó, bố sẽ tình nguyện lo cho con,chia sẻ được gánh nặng với mẹ rất nhiều. Đó cũng là cách vợ giúp chồng chống trầm cảm.

Người phụ nữ trong lòng yêu chồng, yêu con như thế nào thì nên bộc lộ như thế ấy để giúp người bố tự tin mở cửa trái tim. Vợ có thể sắm vai con để nói cho chồng biết yêu cầu của mình một cách dí dỏm, nhẹ nhàng mà khó chối từ: Bố ơi, con đang máy trong bụng mẹ nè, bố vỗ về con tí đi! Bố ơi, con nhớ hơi bố quá rồi, bố ẵm vàthay tã giùm con đi! Ngay sau khi sinh, không phải giả dối mà là một nghệ thuật khi mẹ và nhiều người thân thường nói “con giống bố như đúc”. Đàn ông dù đẹp hay xấu cũng đều muốn nghe lời khen này. Đây là chiêu để gúp người bố khởi động một niềm đam mê bất tận: “làm ngọn Thái Sơn của con”.

Diệu Hiền – Phụ Nữ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét