Thứ Sáu, 11 tháng 6, 2010

Phút trải lòng của một ‘trai bao’

Nơi góc đường mờ mờ sáng, chàng thanh niên với dáng người gầy nhẳng, xách trên tay chiếc cặp da mỏng đứng nép mình vào thân cây cổ thụ lớn. Chốc chốc, cậu trai trẻ lại thò đầu ra ngó quanh rồi lủi thủi quay vào khi ánh đèn xe đã vụt qua.

Đã 2 ngày nay, từ tối cho đến rạng sáng ngóng chờ, Vọng lại lầm lũi trở về căn gác trọ với cái túi rỗng tuếch vì không tìm được người khách nào “qua đêm”. Nơi đây dường như đã không còn là đất sống cho một trai đứng đường đồng tính “ít điểm” như Vọng.

Sinh ra tại huyện nghèo của miền Trung, Vọng là anh kế trong một gia đình có 4 anh chị em. Do kinh tế khó khăn nên Vọng cũng như người anh cả không được học hành đến nơi đến chốn mà phải “ra đời” từ rất sớm. Từ khi là cậu nhóc 15 tuổi gầy gò, Vọng đã trải qua nhiều nghề từ bán vé số dạo cho đến công việc “cửu vạn” nặng nhọc.

Va chạm nhiều nhưng thu nhập ít ỏi không cho phép cậu trai mới lớn thực hiện những ước mơ dù là nhỏ nhất. Ý muốn đổi đời luôn thôi thúc trong lòng, một ngày, Vọng quyết định ôm ba lô cùng số tiền dành dụm bấy lâu nhảy xe vào Sài Gòn lập nghiệp.

Những ngày đầu bước chân vào Sài Gòn, cậu trai tỉnh lẻ bị choáng ngợp bởi cảnh náo nhiệt, đông đúc nơi đất khách quê người. Vọng thuê một căn phòng nhỏ dưới chân cầu Thị Nghè với giá vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Cứ sáng đến là cậu lại đeo chiếc giỏ nhỏ lang thang khắp nơi đi tìm việc. Tài sản duy nhất trong “hành trang” là mảnh giấy chứng minh nhân dân làm được từ ngày ở quê.

   Phút trải lòng của một ‘trai bao’
Vọng lặng lẽ ngồi đón khách tại góc đường.

Giữa chốn Sài Thành, không nghề nghiệp, không học thức, không người thân… may mắn Vọng xin được chân phục vụ cho một quán cà phê sân vườn tại quận 3. Cuộc sống tằn tiện đã quen nên tiền lương một triệu đồng mỗi tháng cũng đủ để cậu trả tiền phòng và các bữa ăn đạm bạc qua ngày.

Công việc trôi qua lặng lẽ, đến một ngày, Vọng bưng nước phục vụ cho một vị khách ăn mặc lịch sự nhưng “có ánh mắt rất kỳ lạ”. Sau một lúc “tia” khắp người Vọng, ông này kêu cậu ngồi xuống nói chuyện rồi thỉnh thoảng vuốt ve vào những nơi nhạy cảm nhất của chàng trai mới lớn rồi dúi cho Vọng tờ 50.000 đồng.

Sau lần đó, ông này trở thành khách quen của quán. Một buổi tối tiếp chuyện, người khách rủ Vọng đi chơi đêm với giá 200 nghìn đồng. Lần đầu tiên trong đời, chàng trai trẻ biết đến “mùi đời”, nhưng oái oăm thay đó lại là hành vi lệch lạc của người cùng phái. Từ đó, ngoài giờ làm, thỉnh thoảng Vọng lại “kiếm thêm” để trang trải cuộc sống.

Một thời gian sau, Vọng biết khu vực đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, gần Thảo Cầm Viên (ngay trung tâm TP HCM) là nơi dành cho dân đồng tính tìm đến để mua vui. Qua thời gian tìm hiểu, Vọng quyết định ra đây “đón khách” để kiếm thêm thu nhập. Hàng ngày, sau giờ làm phục vụ ở quán cà phê, Vọng bước vào cuộc sống của những người thuộc “thế giới thứ 3”.

Thời gian đầu, có đêm Vọng bắt được vài “dù”, bỏ túi mấy trăm nghìn đồng cho những giờ “phục vụ” mệt lử. Do nội quy phòng trọ đóng cửa sớm trước 12 giờ đêm nên Vọng phải lang thang, ngồi đồng tại các quán vỉa hè cho đến sáng mới trở về. Không có thời gian nghỉ ngơi, công việc phục vụ tại quán cà phê cũng dần làm Vọng mệt mỏi, chán nản nên cậu xin nghỉ hẳn để dành thời gian ngủ “dưỡng sức” cho công việc ban đêm.

Cuộc sống của một trai đứng đường cũng không dễ dàng như Vọng nghĩ khi ngày càng nhiều người đổ ra đây “kiếm ăn”. Do cuộc sống khép kín, lại luôn tự ti về bản thân, công việc, nên Vọng cũng không giao lưu kết bạn với bất kỳ “đồng nghiệp” nào. Sở hữu thân hình gầy còm, nhỏ thó, lại không có tiền chưng diện nên cậu không thể cạnh tranh được với những “hot boy” thường đi thành từng nhóm.

Dần dần, Vọng cảm thấy không khí ở đây ngột ngạt, không còn là “đất sống” cho một gã đứng đường như cậu. Giá cả cứ mỗi lúc một hạ, có đêm chèo kéo, cậu mới kiếm cho mình được một “dù” với giá chỉ còn từ 80 đến 100 ngàn đồng. Lại có lần, phải “phục vụ” cho một gã đồng tính to béo đến bở hơi tai nhưng cuối cùng Vọng bị xù tiền, bỏ chơ vơ tại khách sạn với món nợ tiền phòng và tấm thân tím tái.

Ngoài ra, có những đêm vắng khách, cả đám trai đứng mãi mà không kiếm được “độ” nào liền rủ nhau đuổi đánh Vọng, trấn lột hết cả tiền mang theo trong người của chàng trai tỉnh lẻ. Do phải thường xuyên “nhường đất” cho những người khác, tìm nơi yên tĩnh đứng một mình, Vọng được gán một biệt danh là “thằng đứng đường mồ côi”.

Bên cạnh đó, công an phường Bến Nghé (quận 1), nơi “chợ tình” Nguyễn Bỉnh Khiêm hoạt động, cũng thường xuyên đi truy quét điểm tệ nạn này khiến đám trai phải vừa hành nghề vừa cảnh giác. Trong những lần bị bắt, nhìn những người khác có người thân bảo lãnh về, Vọng lủi vào một góc nhỏ, buồn rơi nước mắt. Suy cho cùng như thế lại hay, chứ nếu gia đình biết chuyện Vọng làm, chắc cậu chỉ có cách tìm đường mà chui xuống đất.

Gần đây nhất là vào một ngày cuối năm 2009, trong một lần công an truy quét “chợ tình” này, Vọng lại bị bắt giữ và đưa đi cải tạo tại Bình Dương 4 tháng. Ngày ra trại, Vọng lại tìm về con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm tiếp tục “hành nghề” để kiếm sống, cũng như để thỏa nỗi nhớ thể xác mà mình đã trót vướng vào do làm công việc này quá lâu.

Trời đã mờ sáng, lại thêm một đêm không có khách… Vọng bước những bước chân xiêu vẹo dưới ánh sáng heo hút của những ngọn đèn đường còn sót lại. Vọng bảo, thứ ánh sáng ấy cũng giống như tương lai của cậu – tối tăm và vô định…

Quốc Thắng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét